Trong viễn thông, trạm BTS hay Base Transceiver Station, là thành phần quan trọng trong kiến trúc của mạng di động, bao gồm cả những mạng hỗ trợ chuẩn GSM, CDMA và LTE. Vậy trạm BTS là gì, cấu tạo và điều kiện để xây dựng trạm BTS là gì? Cùng HHN TECH tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
Trạm BTS là gì?
Trạm BTS (Base Transceiver Station) hay trạm thu phát sóng di động đóng vai trò là điểm kết nối chính giữa các thiết bị di động và mạng di động. Về cơ bản, trạm BTS bao gồm một số thiết bị quản lý tần số vô tuyến cần thiết để truyền và nhận tín hiệu.
Các trạm BTS sẽ được đặt ở các vị trí chiến lược và phải tuân thủ theo quy hoạch của nhà cung cấp dịch vụ. Mỗi trạm BTS bao phủ một khu vực địa lý cụ thể, được gọi là một ô. Trong mỗi ô này, trạm BTS xử lý mọi liên lạc với các thiết bị di động, tạo điều kiện cho các cuộc gọi thoại, tin nhắn văn bản và dịch vụ dữ liệu. Bằng cách duy trì các kết nối này, BTS đảm bảo rằng người dùng có thể di chuyển tự do mà không bị mất dịch vụ, vì họ kết nối liền mạch từ trạm này sang trạm khác.
Các loại trạm BTS phổ biến hiện nay
Có nhiều loại trạm BTS khác nhau, trong đó phổ biến nhất phải kể đến như:
Tháp BTS: Được xây dựng ở các khu vực đất trống rộng và theo kiểu dạng tháp. Ở phía trên cùng là anten và các thiết bị thu phát được đặt trong tủ ở chân trạm ở phía dưới.
Trạm BTS lắp trên nóc tòa nhà: Loại trạm BTS này chủ yếu được lắp đặt ở các khu đô thị, nơi tập trung đông dân cư. Theo đó, các trạm BTS sẽ được lắp đặt trên các tầng thượng tòa nhà với cấu trúc nhỏ gọn hơn.
Trạm BTS di động: Đây là các trạm BTS được thiết kế nhỏ gọn và có khả năng di chuyển linh hoạt.
Cấu tạo của trạm BTS gồm những gì?
Cấu tạo trạm BTS bao gồm các thành phần dưới đây:
Trạm thu phát (TRX): Cung cấp khả năng truyền và nhận tín hiệu từ các trạm di động khác. Ngoài ra, trạm thu phát cũng thực hiện gửi và nhận tín hiệu đến và đi từ các thực thể mạng cao hơn, chẳng hạn như bộ điều khiển trạm gốc (base station controller) trong GSM.
Bộ tổ hợp (combiner): Kết hợp các nguồn cấp dữ liệu từ nhiều trạm thu phát (TRX) để các dữ liệu này được gửi ra ngoài thông qua một anten duy nhất. Điều này giúp giảm số lượng anten cần sử dụng.
Bộ khuếch đại công suất (PA): Khuếch đại tín hiệu từ trạm thu phát để truyền qua anten, và có thể được tích hợp với trạm thu phát.
Bộ song công (Duplexer): Bộ song công được sử dụng để tách tín hiệu gửi nhận đến hoặc từ anten và anten là một phần bên ngoài của trạm BTS.
Hoặc ngoài ra có thể hiểu một cách đơn giản là một trạm BTS cơ bản bao gồm các thành phần: Tủ nguồn AC, Tủ nguồn DC, tủ BTS và các thiết bị truyền dẫn. Trong đó:
Tủ nguồn AC: Chức năng chính của tủ nguồn AC là nhận điện từ lưới điện hoặc máy phát điện (trong trường hợp mất điện) và cấp nguồn điện xoay chiều cho các thiết bị trong trạm BTS như: đèn, công tắc, máy điều hòa và tủ nguồn DC.
Tủ nguồn DC: Chức năng của tủ nguồn DC là nhận điện áp từ tủ nguồn AC và chuyển đổi thành nguồn điện mức thấp DC (-48V) để cấp cho các thiết bị viễn thông khác trong trạm như tủ BTS, các thiết bị truyền dẫn. Tủ nguồn DC bao gồm: tủ, ắc-quy, MCU và rectifier.
Tủ BTS: Là nơi lắp đặt các thiết bị và mạch điện tử để điều khiển và quản lý việc truyền nhận tín hiệu sóng điện thoại di động và dịch vụ khác. Tủ BTS có nhiều loại, mỗi loại có cấu hình khác nhau. Chẳng hạn, một số tủ BTS như: BTS Alcatel, BTS Ericsson, BTS Huawei. Tủ BTS chứa các thành phần như bộ thu phát (TRX), bộ tổ hợp, bộ khuếch đại công suất và bộ song công.
Thiết bị truyền dẫn: Các thiết bị này được sử dụng để truyền tải dữ liệu giữa trạm thu phát sóng di động (BTS) và các thiết bị di động.
Tại sao cần xây dựng các trạm BTS?
Các trạm BTS đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới viễn thông, đảm bảo khả năng kết nối và truy cập dịch vụ di động cho người dùng. Việc xây dựng các trạm BTS là cần thiết để cung cấp sóng di động ổn định và đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Tăng cường phạm vi phủ sóng
Trong bối cảnh số lượng người dùng sử dụng thiết bị di động ngày càng tăng cao, nhu cầu kết nối không dây ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc xây dựng các trạm phát sóng di động không chỉ đơn thuần là tăng cường phạm vi phủ sóng mà còn là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt tại các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, việc triển khai BTS mang đến cơ hội tiếp cận thông tin, dịch vụ công trực tuyến và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Song song đó, ở các đô thị lớn, trung tâm thương mại và các khu vực công cộng như sân bay, nhà ga, bến xe, nhu cầu sử dụng mạng di động luôn ở mức cao. Việc lắp đặt BTS tại những khu vực này là giải pháp tối ưu để đảm bảo chất lượng kết nối, đáp ứng nhu cầu kết nối ngày càng tăng của mọi người.
Phát triển kinh tế – xã hội
Như đã đề cập ở trên, mạng lưới di động phát triển mạnh mẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, kinh doanh, học tập và giải trí. Bên cạnh đó, mạng di động cũng được sử dụng trong các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, an ninh…
Cải thiện chất lượng mạng di động
Với mật độ trạm BTS dày đặc, khả năng truyền tải dữ liệu có thể tăng lên gấp đôi, đảm bảo kết nối ổn định ngay cả khi có nhiều người dùng cùng truy cập cùng lúc, đặc biệt là trong giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, các trạm phát sóng di động còn là nền tảng quan trọng trong triển khai mạng 5G, mang đến trải nghiệm người dùng hoàn toàn mới. Với tốc độ truyền tải cao, giảm độ trễ và hỗ trợ các dịch vụ yêu cầu băng thông lớn như video độ phân giải cao, thực tế ảo.
Cải thiện chất lượng cuộc gọi
Việc tăng mật độ trạm BTS giúp đảm bảo không gian tần số và băng thông đủ lớn để xử lý các cuộc gọi, tin nhắn và dữ liệu một cách hiệu quả. Từ đó cải thiện chất lượng cuộc gọi, giảm thiểu tình trạng mất sóng, nhiễu sóng. Xây dựng các trạm BTS chính là giải pháp tối ưu cung cấp chất lượng dịch vụ di động ổn định và liên tục.
Trạm BTS có ảnh hưởng đến sức khỏe con người không?
Trạm BTS có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người không là một trong những mối lăn tăn của nhiều người, nhất là khi các trạm này được lắp đặt ở gần các khu vực dân cư.
Có rất nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi các tổ chức uy tín như WHO, ICNIRP và ITU và đưa ra kết luận: mức độ phơi nhiễm sóng điện thoại từ trạm BTS được xem là thấp và chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục về việc sóng điện thoại gây hại cho sức khỏe con người. Các nghiên cứu cũng đã xác định được mức độ an toàn giữa trạm BTS và khu vực người dân sinh sống.
Hiện nay, Việt Nam có 6 nhà mạng cung cấp dịch vụ về thông tin di động mặt đất, sử dụng 2 hệ thống điện thoại di động phổ biến là: Công nghệ GSM (Vinaphone, Viettel, Gtel, Mobiphone, Vietnammobile) và CDMA (Sphone). Hai hệ thống này hiện đang phục vụ cho khoảng 151,2 triệu thuê bao và số lượng thuê bao lớn nhất tại các thành phố lớn. Vì vậy, lắp đặt xây dựng trạm BTS với mật độ cao là điều chắc chắn phải thực hiện.
Đứng trước hàng loạt các câu hỏi về vấn đề trạm BTS có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người hay không, ở Việt Nam vấn đề này cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra kết luận: Với dải tần số của sóng điện thoại, vô tuyến tại các trạm thu, phát đều chưa có bằng chứng khoa học khẳng định rằng nó có gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, trạm BTS trước khi được đưa vào sử dụng cũng kiểm định và tuân thủ nghiêm ngặt các an toàn về phơi nhiễm sóng điện từ trường. Trạm BTS phải được cấp giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động mới được phép hoạt động để đảm bảo an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục theo dõi và nghiên cứu để đảm bảo an toàn và đề phòng các tác động tiềm ẩn của sóng điện thoại và trạm BTS đối với sức khỏe con người.
Điều kiện để xây dựng trạm BTS là gì?
Việc xây dựng trạm phát sóng di động đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật và kỹ thuật để đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn cho người dân và môi trường. Dưới đây là các điều kiện để xây dựng trạm BTS:
- Xin ý kiến, chủ trương của UBND tỉnh, thành phố: Doanh nghiệp phải xin ý kiến và chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh nơi trạm BTS sẽ được lắp đặt.
- Lập hồ sơ cấp phép xây dựng: Sau khi được sự cho phép và ý kiến của UBND tỉnh, thành phố bằng văn bản, doanh nghiệp lập hồ sơ cấp phép xây dựng trạm BTS theo quy định tại Thông tư số 12/2007/TTLT-BXD-BTTTT.
- Thẩm quyền cấp phép: Quyền cấp phép xây dựng trạm BTS thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc thành phố tương ứng với địa điểm xây dựng trạm BTS.
- Các trạm BTS khi được cấp giấy chứng nhận hoạt động đảm bảo mức giới hạn về phơi nhiễm trường điện từ là an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống xung quanh trạm.
Quy trình lắp đặt trạm BTS
– Xác định địa điểm, vị trí quy hoạch: Chủ đầu tư liên hệ Sở Thông tin Truyền thông để xác định sự phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới viễn thông.
– Lập dự án đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo Nghị định 16/2005/NĐ-CP, Thông tư 03/2009/TT-BXD ngày 26/3/2009 của Bộ Xây dựng.
– Lập thiết kế bản vẽ kỹ thuật: Chủ đầu tư lập thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công, tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán theo quy định.
– Lập thủ tục xin phép xây dựng:
- Đối với trạm BTS loại 1 ở khu vực Thành phố (nộp hồ sơ xin GPXD tại Phòng tiếp nhận và giao trả hồ sơ thuộc Sở Xây dựng).
- Đối với trạm BTS loại 2 ở khu vực Thành phố (chủ đầu tư nộp hồ sơ xin GPXD tại Phòng tiếp nhận và giao trả hồ sơ thuộc UBND Thành phố).
- Đối với trạm BTS ở khu vực các huyện (chủ đầu tư nộp hồ sơ xin GPXD tại Phòng tiếp nhận và giao trả hồ sơ thuộc UBND các huyện).
– Thông báo khởi công xây dựng: thông báo cho UBND cấp xã nơi lắp đặt trạm BTS ít nhất 07 (bảy) ngày trước khi khởi công lắp đặt và thông báo cho cơ quan cấp GPXD tiến hành định vị, kiểm tra công trình theo GPXD được cấp.
– Thực hiện kiểm định: theo Quyết định số 31/2006/QĐ-BBCVT ngày 06/09/2006 của Bộ Bưu chính, Viễn thông – nay là Bộ Thông tin và Truyền thông và báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông chậm nhất 07 (bảy) ngày kể từ khi nhận được Giấy chứng nhận kiểm định công trình.
Mặc dù lắp đặt trạm BTS là giải pháp đặc biệt cần thiết, nhưng vì đây là công trình quan trọng đối với hệ thống viễn thông di động, góp phần tạo nên mạng lưới sóng rộng khắp phục vụ nhu cầu sử dụng của mọi người. Do đó, các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình cũng như người dân cần chú ý tìm hiểu và thực hiện nghiêm túc các quy định nhằm phát huy hiệu quả của trạm BTS mà không gây ra những ảnh hưởng hay thiệt hại không đáng có.
Trường hợp trạm BTS được lắp đặt đúng quy định pháp luật, đảm bảo tiêu chuẩn nhưng người dân có những hành vi cản trở như làm hư hỏng, phá hoại, xâm nhập trái phép thì đây là những hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tùy theo mức độ, tính chất hành vi với mức phạt tiền thấp nhất từ 50.000.000 đồng và cao nhất là 140.000.000 đồng.
Trong trường hợp còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ ngay đến đơn vị lắp trạm BTS đúng tiêu chuẩn – đơn vị HHN TECH để được tư vấn giải pháp hợp lý, không vi phạm quy định của nhà mạng viễn thông và tối ưu kinh phí.